Bạn có gặp rắc rối khi tạo phân vùng Mac OS Extended (Journaled) và APFS bằng Disk Utility không? Nếu có, bạn có thể tạo phân vùng Mac OS Extended bằng GParted, sau đó chuyển đổi sang APFS bằng Disk Utility.

Disk Utility

Disk Utility là một tiện ích ổ đĩa trên hệ điều hành macOS. Nó hỗ trợ tạo mới, chia, gộp, resize, xóa và định dạng cho các phân vùng trên đĩa cứng. Disk Utility chỉ hỗ trợ tạo và định dạng phân vùng cho Mac OS Extended (Journaled), exFAT, MS-DOS (FAT) và kể từ phiên bản macOS High Sierra (10.13), nó hỗ trợ thêm APFS.

Nếu bạn là một người dùng Linux hoặc các hệ điều hành khác ngoài macOS, có lẽ bạn sử dụng một công cụ khác. Thêm một trường hợp khác, nếu bạn sử dụng ổ cứng Seagate, WD My Passport hoặc bất cứ ổ cứng nào khác mà trước đó bạn đã phân vùng với một công cụ khác. Disk Utility sẽ báo lỗi MediaKit reports not enough space on device for requested operation. Lỗi này xãy ra vì các phân vùng được tạo ra không tuân thủ chính sách phân vùng của Apple. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng các công cụ khác thay thế Disk Utility.

Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn tạo phân vùng Mac OS Extended (Journaled) với GParted. Nếu bạn muốn cài đặt macOS High Sierra hoặc các phiên bản mới hơn, chỉ cần sử dụng tính năng Convert to APFS trên Disk Utility.

GParted

GParted là chương trình phân vùng đĩa nổi tiếng. Nó hỗ trợ nhiều định dạng phân vùng như là FAT32, NTFS, exFAT, Ext4 và tất nhiên cũng hỗ trợ Mac OS Extended. Chúng ta có thể sử dụng GParted để tạo phân vùng Mac OS Extended chỉ qua vài bước đơn giản.

GParted được cài đặt sẵn trên nhiều bản phân phối Linux như Ubuntu, Debian, Linux Mint… Nếu bạn đã có GParted được cài đặt, chỉ cần sử dụng nó. Nếu chưa, bạn có thể tải về tệp tin ISO của GParted hoặc 4MParted sau đó tích hợp vào AIO Boot. Bạn nên sử dụng hai hệ điều hành này, vì chúng đã được cài đặt sẵn các chương trình hỗ trợ các định dạng. Nếu bạn sử dụng GParted trên Ubuntu, Linux Mint hoặc Debian, bạn cần phải cài đặt hfsprogs.

sudo apt-get install hfsprogs

Định dạng của Mac OS Extended là HFS+. Có một số phần mềm thương mại hỗ trợ tạo phân vùng HFS+ trên Windows, nhưng GParted miễn phí. Bây giờ chúng ta sẽ tạo phân vùng HFS+ với GParted.

Tạo phân vùng Mac OS Extended (Journaled) với GParted

  1. Chạy GParted và chọn đĩa cứng trong danh sách xổ xuống ở phía trên bên phải. Đĩa cứng của tôi là /dev/sda.
  2. Bạn chỉ có thể tạo phân vùng mới nếu đĩa cứng của bạn còn dung lượng chưa được phân bổ (unallocated). Nhấp chuột phải vào nơi dung lượng chưa được phân bổ và chọn New. Bạn cũng có thể định dạng phân vùng hiện có thành HFS+. Nhấp chuột phải vào phân vùng hiện có, chọn Format to và sau đó chọn hfs+. Hoặc xóa phân vùng hiện có để tạo lại nó.
  3. Chọn hfs+ ở mục File system. Sau đó chọn và nhập một số thông tin cho các mục khác mà bạn muốn.
  4. Nhấn Add, sau đó nhấn Apply để áp dụng các thay đổi.

Phân vùng Mac OS Extended được tạo bởi GParted sẽ không Journaled. Tuy nhiên chúng ta có thể sử dụng Disk Utility để Enable Journaling. Hoặc sử dụng lệnh sau để định dạng Mac OS Extended thành Mac OS Extended (Journaled):

sudo mkfs.hfsplus -J /dev/sdaX

/dev/sdaX là phân vùng mà bạn muốn định dạng.

Chuyển sang APFS

Từ phiên bản macOS High Sierra, Apple công bố một hệ thống tệp tin mới là APFS. Mặc định macOS High Sierra chỉ có thể được cài đặt trên phân vùng APFS. Bạn có thể sử dụng Disk Utility để chuyển đổi phân vùng Mac OS Extended sang APFS mà không mất dữ liệu.

Nếu phân vùng Mac OS Extended chưa Journaled, hãy Journaled nó trước. Chạy Disk Utility, chọn phân vùng Mac OS Extended ở cột bên trái, sau đó chọn File và chọn Enable Journaling.

Mac OS Extended (Journaled) - Enable Journaling

Bây giờ bạn có thể chuyển đổi phân vùng Mac OS Extended (Journaled) sang APFS mà không mất dữ liệu. Chỉ cần chọn Edit và chọn Convert to APFS…

Convert to APFS with Disk Utility

Bằng cách sử dụng GParted với các bước đơn giản ở trên, chúng ta có thể dễ dàng tạo phân vùng Mac OS Extended (Journaled) và nhiều định dạng khác mà Disk Utility không hỗ trợ. Nếu bạn cần tạo USB cài macOS High Sierra trên Windows, bạn có thể thử Clover Boot Disk. Chúc bạn thành công!

Tham gia cuộc thảo luận

2 Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  1. “Từ phiên bản macOS High Sierra, Apple công bố một hệ thống tệp tin mới là APFS. Mặc định macOS High Sierra chỉ có thể được cài đặt trên phân vùng APFS. Bạn có thể sử dụng Disk Utility để chuyển đổi phân vùng Mac OS Extended sang APFS mà không mất dữ liệu.”
    Chỗ này đính chính bạn ạ: Theo mình biết thì High Sierra mặc định định dạng APFS trên pv của SSD, còn HDD vẫn có option được sử dụng hay ko sử dụng mà

    1. Bạn cài mới hay cập nhật macOS từ bản cũ? Mình dùng HDD vẫn phải chuyển sang APFS mới cho cài. Bạn có thể cho mình biết cái tùy chọn đó được không?